Tuyên truyền, phổ biến phòng ngừa hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Đọc bài viết

Hiện nay, Công nghệ thông tin đang ngày càng phát triển, các trang mạng xã hội từ đó cũng phát triển theo, lợi dụng sự phát triển đó, tội phạm sử dụng công nghệ cao thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản (CĐTS) diễn ra khá phổ biến dưới nhiều hình thức, thủ đoạn hết sức tinh vi, gây ra nhiều thiệt hại về kinh tế, tinh thần cho các đơn vị và cá nhân.

Trước tình hình đó, ngày 29/8/2023, Sở Công Thương Bắc Giang đã phối hợp với Phòng An ninh kinh tế, Công An tỉnh Bắc Giang tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phòng ngừa hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng và hướng dẫn công tác bảo vệ bí mật nhà nước cho 100% cán bộ, công chức, viên chức của Sở. Với mục tiêu nhằm trang bị những kiến thức, kỹ năng cơ bản về an toàn thông tin trên không gian mạng, công tác bảo vệ bí mật nhà nước. Đây là yếu tố then chốt góp phần thức đẩy quá trình chuyển đổi số của Sở Công Thương Bắc Giang.

(Cán bộ CCVC tham dự hội nghị)

Tham dự hội nghị, về phía Lãnh đạo Sở, có các đ/c Trần Quang Tấn – Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở cùng các đ/c Phó Giám đốc Sở và lãnh đạo các Phòng chức năng, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại cùng các đồng chí cán bộ, công chức, viên chức của Sở Công Thương.

Tại hội nghị, có đ/c Đại tá Đỗ Đức Trịnh - Phó Giám đốc Công an tỉnh, đ/c Thượng tá Nguyễn Hồng Sơn – Trưởng phòng An Ninh kinh tế (ANKT), đ/c Trung tá Ong Văn Hoàng - Phó trưởng phòng ANKT cùng các đ/c Vũ Văn Chiến - Đội trưởng, Phòng ANKT, trực tiếp truyền đạt các nội dung là Đ/c Thiếu tá Thân Phương Bắc và Thiếu tá Đỗ Tiến Thịnh, báo cáo viên, đã phổ biến một số nội dung về thực trạng tội phạm lừa đảo trên mạng xã hội hiện nay, đặc biệt là việc nhận diện, phòng ngừa một số phương thức, thủ đoạn các đối tượng thường sử dụng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Theo đó hiện nay tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng có xu hướng gia tăng, diễn biến ngày càng phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, có tính chất xuyên quốc gia, gây thiệt hại lớn và bức xúc trong nhân dân.

(Đ/c Phạm Công Toản – Phó giám đốc Sở Công Thương khai mạc Hội nghị)

Năm 2022: Có 75%, khoảng 13.000 người dùng trở thành nạn nhân của việc lừa đảo tài chính online thông qua hình thức gọi điện thoại (76% bị lừa đảo tài chính; 24% người bị lừa đảo đánh cắp thông tin).

Tại Bắc Giang, năm 2022: Công an tỉnh Bắc Giang đã điều tra, xác minh 34 vụ lừa đảo CĐTS qua không gian mạng, thiệt hại khoảng 40 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2023, số vụ lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam tăng 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái; tăng 37,82 % so với 6 tháng cuối năm 2022.

Hiện có 3 nhóm lừa đảo chính (giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác) với 24 hình thức lừa đảo đang diễn ra trên không gian mạng Việt Nam:

1. Lừa đảo “combo du lịch giá rẻ”.

2. Lừa đảo cuộc gọi video Deepfake, Deepvoice.

3. Lừa đảo “khóa SIM” vì chưa chuẩn hóa thuê bao.

4. Giả mạo biên lai chuyển tiền thành công.

5. Giả danh giáo viên/nhân viên y tế báo người thân đang cấp cứu.

6. Chiêu trò lừa đảo tuyển người mẫu nhí.

7. Thủ đoạn giả danh các công ty tài chính, ngân hàng.

8. Cài cắm ứng dụng, link quảng cáo cờ bạc, cá độ, tín dụng đen,…

9. Giả mạo trang thông tin điện tử, cơ quan, doanh nghiệp (BHXH, ngân hàng…)

10. Lừa đảo SMS Brandname, phát tán tin nhắn giả mạo.

11. Lừa đảo đầu tư chứng khoán, tiền ảo, đa cấp.

12. Lừa đảo tuyển CTV online.

13. Đánh cắp tài khoản MXH, nhắn tin lừa đảo.

14. Giả danh cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án gọi điện lừa đảo.

15. Rao bán hàng giả hàng nhái trên sàn thương mại điện tử.

16. Đánh cắp thông tin CCCD đi vay nợ tín dụng.

17. Lừa đảo chuyển nhầm tiền vào tài khoản ngân hàng.

18. Lừa đảo dịch vụ lấy lại tiền khi đã bị lừa.

19. Lừa đảo lấy cắp Telegram OTP.

20. Lừa đảo tung tin giả về cuộc gọi mất tiền như FlashAI.

21. Lừa đảo dịch vụ lấy lại Facebook.

22. Lừa đảo tình cảm, dẫn dụ đầu tư tài chính, gửi bưu kiện, trúng thưởng,…

23. Rải link phishing lừa đảo, seeding quảng cáo bẩn trên Facebook.

24. Lừa đảo cho số đánh đề.

Nổi cộm trong thời gian gần đây, các đối tượng đã và đang sử dụng các loại phương thức, thủ đoạn như: giả danh các cơ quan, tổ chức (Công an, Viện kiểm sát, Tòa án, Nhà mạng, Công ty điện lực, nhân viên ngân hàng…) sử dụng thủ đoạn giả mạo tài khoản zalo, facebook để lừa đảo; thủ đoạn lừa đảo tuyển cộng tác viên kiếm tiền online; cho vay tiền qua app; giả danh nhân viên y tế báo người thân đang cấp cứu đề nghị chuyển tiền, xin việc làm online, làm cộng tác viên với các sàn thương mại điện tử…

Cán bộ công chức, viên chức còn được hướng dẫn cách bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng, cách nhận biết và phòng tránh các tin tức giả mạo, lừa đảo. Đây là một trong những hoạt động rất ý nghĩa nhằm nâng cao nhận thức về an ninh mạng cho CBCCVC. Bên cạnh đó việc tăng cường kiến thức và kỹ năng phòng, chống tội phạm lừa đảo trên không gian mạng sẽ giúp CBCCVC tránh được những rủi ro về an ninh mạng và đảm bảo an toàn cho thông tin cá nhân, tài sản.

Vì vậy những việc làm cần lưu ý để tránh bị lừa trên không gian mạng:

1

Vay tiền qua mạng

Không vay

2

Đầu tư sinh lời

Không đầu tư

3

Bẫy tình quen nhau qua mạng

Không quen

4

Mượn tiền qua messenger, zalo…

Không cho vay

5

Điện thoại báo người thân bị tai nạn và yêu cầu chuyển tiền.

Xác nhận thông tin và Không chuyển tiền

6

Gọi điện thoại tự xưng là Công An, Viện kiểm sát, Tòa án, nhà mạng, Ngân hàng…

Tắt may và chặn số

7

Xin việc làm online, làm cộng tác viên Shoope, Lazada, FaceBook, TikTok…

Không xin, Không làm

 

KHÔNG:

  1. CHUYỂN TIỀN QUA MẠNG;
  2. CUNG CẤP THÔNG TIN, TÀI KHOẢN;
  3. CUNG CẤP THÔNG TIN CÁ NHÂN;
  4. CUNG CẤP MÃ OTP.

 

(Báo cáo viên thực hiện nội dung tuyên truyền, phổ biến phòng ngừa hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng)

Đặc biệt, CBCCVC còn được truyền đạt những kiến thức, quy định một số vấn đề cơ bản về công tác bảo vệ bí mật nhà nước. Hệ thống hoá những nội dung cơ bản của Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành; những nguy cơ có thể dẫn đến lộ, mất bí mật nhà nước và những kinh nghiệm thực tiễn trong công tác phòng ngừa, xử lý các vụ việc lộ, mất bí mật nhà nước. Buổi tập huấn nhằm nâng cao nhận thức cho lãnh đạo và cán bộ làm công tác bảo vệ bí mật nhà nước, đồng thời trang bị một số kỹ năng, nghiệp vụ để thực hiện tốt công tác này trong thời gian tới.

(Báo cáo viên thực hiện truyền đạt những kiến thức về BVBMNN)

Nhân dịp này, Sở Công Thương đã vinh dự được đ/c Đại Tá Đỗ Đức Trịnh, Phó giám đốc Công an tỉnh, thừa uỷ quyền của Bộ trưởng Bộ Công an trao tặng kỷ niệm chương “Bảo vệ an ninh Tổ quốc” cho đ/c Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang. Đây là một hình thức khen thưởng của Bộ Công an để tặng cho cá nhân có thành tích xuất sắc trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, giữ gìn trật tự an toàn xã hội.

(Lễ trao Kỷ niệm chương “Bảo vệ an ninh Tổ quốc”)

Hội nghị đã thực sự rất có ý nghĩa trong công tác tuyên truyền, giúp  lãnh đạo, cán bộ công chức, viên chức Sở Công Thương nâng cao những hiểu biết, trang bị kiến thức sát thực, bổ ích giúp tự bảo vệ mình và cùng lan tỏa, tuyên truyền cho người thân nhận biết và phòng ngừa các hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng; nâng cao nhận thức, tinh thần cảnh giác trong thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các quy định của pháp luật về công tác bảo vệ bí mật Nhà nước./.

Thảo Phương – XNK

 

 

Thư viện ảnh Thư viện ảnh

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 10,014
Tổng số trong ngày: 1,975
Tổng số trong tuần: 31,053
Tổng số trong tháng: 51,389
Tổng số trong năm: 69,668
Tổng số truy cập: 147,826